-
12h35Chương trình VEPF 2017 kết thúc
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng Jack Ma chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại VEPF 2017.
Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm tại VEPF 2017. Ảnh: Giang Huy.
-
12h30Tỷ phú Jack Ma: Cơ hội phát triển thanh toán điện tử ở Việt Nam rất lớn
Năm 2006, mọi người nói Việt Nam sẽ là Trung Quốc sau 10 năm nữa. Nhưng khi đến Việt Nam cách đây 10 năm, tôi cảm thấy hơi thất vọng.
Tuy nhiên lần này, trong đêm đầu tiên xuống phố, sau 2,5 tiếng tôi cảm nhận yêu nguồn năng lượng ở đây. Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu một quốc gia không được kết nối internet còn tệ hơn là ngày xưa không có điện. Trong khi đó, tỷ lệ người sử dụng internet, điện thoại ở Việt Nam rất lớn nên tôi có thể nói rằng, Việt Nam là một miền đất có rất nhiều cơ hội. Chính phủ nên tăng cường các công tác về kho vận hậu cần, giúp hỗ trợ giới trẻ trong việc phát triển kinh doanh, khởi nghiệp trên nền tảng đó...
Tôi rất vui khi Chính phủ Việt Nam có một diễn đàn như thế này. Đa phần những gì quý vị quan ngại hôm nay sẽ không xảy ra đâu. Có thể những điều chúng ta không lo ngại mới xảy ra. Không ai là chuyên gia của tương lai, chúng ta chỉ là chuyên gia của ngày hôm qua.
Ngày hôm nay, chúng ta nói tới thanh toán di động, nhưng ngày mai điện thoại di động sẽ không còn. Quan trọng nhất là chúng ta phải chắp cánh cơ hội, niềm tin cho giới trẻ.
-
12h20Ông Eric Jing nói về mối quan hệ giữa thương mại điện tử và thanh toán trên di động
CEO Công ty Tài chính Ant cho rằng, người tiêu dùng lựa chọn thương mại điện tử thì chúng ta phải có chính sách khuyến khích. Và hiện nay thương mại điện tử và thanh toán trên di động có mối quan hệ với nhau. Facebook cũng đã áp dụng điều này. "Điều chúng tôi đang tập trung xây dựng là cơ sở hạ tầng", ông nói.
-
12h10Tỷ phú Jack Ma: Vấn đề không phải tiền, đó là ý tưởng
Theo tỷ phú Jack Ma, vấn đề quan trọng hàng đầu trong kinh doanh không phải tiền mà là ý tưởng. "Doanh nhân phải nghĩ xem mình sẽ làm gì, chứ đừng nghĩ ngay tới sẽ kiếm được bao nhiêu tiền. Khi có ý tưởng tốt, tuyệt vời thì tiền mới phát huy tác dụng. Khi có đồng đội tốt, ý tưởng tốt thì sẽ có tiền, chứ không thể có chỗ cho những người thụ động trong trường hợp này", ông nói.
Tuy nhiên, trong quá trình khởi sự kinh doanh, ngoài ý tưởng thì "cũng cần tiền".
"Có thể phải đi vay tiền khi khởi nghiệp và ngân hàng ban đầu chắc chắn cũng sẽ không cho bạn vay vì họ phải xem bạn có gì trong tay, ít nhất là ý tưởng. Là doanh nhân không có người giúp cũng là bình thường, có người giúp mới là bất thường", ông tiếp lời.
Tỷ phú Jack Ma nhấn mạnh, bước đầu khởi nghiệp không cần làm gì quá to tát, chỉ cần cái gì nhỏ nhưng thú vị và "phải có tình yêu trong đó".
Cùng với đó, thủ tục hành chính cũng cần cải thiện một cách nhanh nhất có thể. "Hãy để doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ phải lo thủ tục hành chính trong vòng một phút thôi. Chứ không thể thủ tục hành chính "lên xuống, xin cho", ông ví von, đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ cần tạo ra không gian để làm sao tinh thần doanh nhân, kinh doanh dễ dàng.
-
12h05Ông Eric Jing đánh giá về cộng đồng startup Việt Nam
Ông Trương Gia Bình: Ông đánh giá như thế nào về cộng đồng Startup ở Việt Nam?
Ông Eric Jing - CEO Ant Financial Services: Chúng tôi cũng biết Chính phủ Việt Nam đã có những định hướng cho startup, fintech. Như vậy là rất tốt, đem lại lợi ịch cho tất cả mọi người. Điều đó cũng giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận thị trường.
Thực tế của các bạn khác với chúng tôi 20 năm vì đã có công nghệ; Chính phủ có quan điểm rõ ràng. Vì vậy, với người trẻ hãy tận dụng mọi cơ hội để kinh doanh trên nền tảng công nghệ và suy cho cùng tất cả chúng ta đều chiến thắng trong hệ thống đó.
Với Alibaba chúng tôi luôn hướng đến định hướng như vậy để tạo công ăn việc làm cho giới trẻ, startup và đây cũng là tin vui cho tất cả doanh nghiệp ở đây.
-
12h05Trao đổi giữa tỷ phú Jack Ma và các chuyên gia, doanh nghiệp tại Diễn đàn
Ông Vũ Viết Ngoạn: Thưa ông Jack Ma, tôi xin gửi đến ông 2 câu hỏi:
- Dưới sự thống trị của một số công ty công nghệ hàng đầu, liệu còn "đất sống" cho doanh nghiệp nhỏ & vừa và startup hay không?
- Cách đây không lâu có người bạn tôi là khách du lịch đến Trung Quốc có nói nếu không mang tiền mặt hoặc không có tài khoản tại ngân hàng Trung Quốc thì đôi khi sẽ gặp không ít bất tiện. Sự độc tôn đó trong thanh toán điện tử liệu có gây khó khăn phần nào cho khách du lịch khi đến Trung Quốc hay không?
Tỷ phú Jack Ma
- Trả lời câu hỏi thứ nhất: Khi bạn nghĩ là không có cơ hội cho mình thì các bạn là người thiếu trí tưởng tượng. Một thế giới mới vừa bắt đầu nếu các bạn muốn tham gia cùng Alibaba. Bản thân Jack Ma và bản thân tôi cũng phải bắt đầu. Trước đây tôi hay kêu ca, tại sao ông này ông kia lấy mất cơ hội của tôi.
Tuy nhiên, thực tế, cơ hội lớn lao vẫn còn cho tất cả mọi người. Đừng cố gắng trở thành Alibaba hay AliPay bởi khi doanh nghiệp lớn hơn thì tôi gặp phải những vấn đề chưa từng gặp phải. Sự khổng lồ vẫn còn triển vọng cho 30 năm tới, thời đại Internet mới chỉ vừa bắt đầu mà thôi. Và Chính phủ các nước cần quan tâm tới 30 năm tới, nhắm vào giới trẻ dưới 30 tuổi, doanh nghiệp có dưới 30 nhân công.
- Câu hỏi thứ 2: Tôi xây dựng hạ tầng mà mục đích là quy tụ tận dụng cơ hội. Những người khổng lồ như Yahoo, hay Facebook, Google... nếu như 5 năm nữa được nỗ lực. Chúng tôi là doanh nghiệp của thị trường, không phải là doanh nghiệp được cấp phép.
-
11h55Tỷ phú Jack Ma: Thanh toán tiền mặt dễ dẫn đến tham nhũng, lừa đảo
Jack Ma chia sẻ về thanh toán điện tử tại VEPF 2017. Ảnh: Ngọc Thành.
Ông Trương Gia Bình: - Với AliPay, yếu tố nào quan trọng nhất trong phát triển thanh toán di động với AliPay? Tính minh bạch sẽ quan trọng thế nào?
Ông Eric Jing: Tính bảo mật là yếu tố quan trong nhất trong những ngày đầu chúng tôi xây dựng, phát triển hệ thống, dịch vụ. Kể cả khi dịch vụ đã phát triển ở mức cao hơn thì bảo mật, an toàn vẫn là nhân tố hàng đầu chúng tôi hướng tới. Trong bối cảnh mới với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo thì cũng cần ứng dụng ngay vào nền tảng phát triển dịch vụ để người tiêu dùng được hưởng lợi.
Bổ sung thêm, tỷ phú Jack Ma cho rằng, "Chúng tôi quan tâm tới bảo mật còn hơn Chính phủ. Vì khi có trục trặc người 'chết' đầu tiên, ảnh hưởng đầu tiên chính là doanh nghiệp chúng tôi".
Với Việt Nam, ông Jack Ma cho rằng, có nhiều vấn đề về bảo mật bởi hiện tỷ lệ dùng tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn quá lớn. "Nếu để tiền mặt trong ví sẽ dễ tạo cơ hội cho lừa đảo, tham nhũng, bị móc túi... Còn nếu không mang theo ví tiền mặt, những kẻ móc túi sẽ thất nghiệp hết", ông nói.
Thay vào dùng tiền mặt, chỉ cần dùng điện thoại di động với công nghệ nhân trắc học sẽ an toàn, dễ dàng lần ra hành vi lừa đảo (nếu có) vì tất cả dữ liệu giao dịch đều được "ghi chép" lại.
-
11h54Làm gì để tăng niềm tin của người dùng đối với thanh toán điện tử
Jack Ma: Alibaba khi đó cam kết nếu các bạn mất tiền là tôi sẽ đền lại. Nếu quý vị mất một USD thì tôi sẽ đền một USD, mất một triệu USD sẽ đền một triệu USD. Nếu thanh toán điện tử thì là một USD nhưng nếu COD thì là 50 USD. Vâng đằng sau đó là có câu chuyện của công nghệ.
Ở Việt Nam, chúng tôi nghĩ mọi việc đều đang rất khả quan, hứa hẹn, nên cần động viên để các doanh nghiệp làm được.
Ông Trương Gia Bình: Làm thế nào để thay đổi quan hệ với đối tác, ngân hàng?
Ông Eric Jing - CEO Ant Financial Services: Phải phối hợp với ngân hàng chặt chẽ để đưa ra những giải pháp tốt nhất, tiện lợi nhất cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng phải làm sao để không làm mất đi tính hấp dẫn của thẻ tín dụng của các ngân hàng. Sử dụng công nghệ và các ngân hàng cũng được lợi từ quá trình đó. Đây là vấn đề các công nghệ phải vượt qua, phải thuyết phục cả khách hàng và đối tác là các ngân hàng. Đó chính là cách mà chúng tôi thiết lập quan hệ với các ngân hàng. Chúng tôi cũng đánh giá cao sự hợp tác với các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các nhà băng. Chúng tôi cũng nhận thức, không có sự hỗ trợ ngân hàng, đồng lòng từ Chính phủ thì rất khó.
-
11h50Jack Ma nói về quá trình xây dựng AliPay
Ông Jack Ma cho rằng, ngày bắt đầu Alipay, ông nói rằng để xây dựng niềm tin, sẽ có chính sách nếu dùng Alipay mà mất 1 USD đền 1 USD, còn mất 1 triệu USD sẽ đền 1 triệu USD. Dùng công nghệ là để được thưởng, chứ không phải bị phạt. Chúng ta cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. "Và nếu các bạn thanh toán online, tôi sẽ tính các bạn 1 USD trong khi COD thì sẽ lấy 50 USD đấy", Jack Ma nói.
Trước câu hỏi của ông Trương Gia Bình rằng, làm thế nào để thay đổi tư duy, xác lập quan hệ đối tác, ông Eric Jing - CEO Công ty Tài chính Ant chia sẻ, nếu có hàng triệu người dùng thì cũng không làm mất đi sự hấp dẫn của thẻ tín dụng. Chúng tôi sử dụng công nghệ và bản thân các ngân hàng cũng được hưởng lợi vấn đề đó. Đây là vấn đề mà các công ty công nghệ cần phải vượt qua, tức họ cần phải thuyết phục được khách hàng và ngân hàng sử dụng.
Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác với ngân hàng. Khách hàng cũng có nhiều lựa chọn hơn, kỳ vọng hơn. Cần hợp tác để đáp ứng nhu cầu đó. Thời gian qua chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm hợp tác từ ngân hàng và chúng tôi nhận thấy, nếu chúng tôi không có sự hỗ trợ từ người dùng và ngân hàng thì công ty công nghệ như chúng tôi cũng không phát triển được.
Chia sẻ thêm với quan điểm của ông Eric, ông Jack Ma cho rằng, các công ty công nghệ cần ngân hàng nhưng thậm chí là ngân hàng cần công ty công nghệ hơn. Ngày nay, thanh toán di động là chủ yếu dựa vào dữ liệu, và chúng ta biết, công nghệ thông tin thì làm bạn mạnh hơn, nhưng công nghệ dữ kiệu thì làm người khác mạnh hơn.
Đa phần ngân hàng được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin. Khi có dữ liệu, họ sẽ hiểu người dùng tốt hơn. Thế giới đang tiến tới phi tiền mặt. Công nghệ thông tin sẽ gặp nhiều thách thức trong tương lai. Do đó, các ngân hàng muốn phát triển thì cần phải hợp tác với các công ty công nghệ như chúng tôi. Và khi đó, thì các bên "đều vui và đều thắng". Thế giới đang tiến tới phi tiền mặt. Công nghệ thông tin sẽ gặp nhiều thách thức trong tương lai.
-
11h45Ông Eric Jing - CEO Ant Financial Services (Công ty mẹ của AliPay): Cơ hội đang đến và bình đẳng cho mọi người
Eric Jing - CEO Art Financial. Ảnh: Ngọc Thành.
Trước câu hỏi: "Cần thay đổi tư duy thế nào để hệ sinh thái thanh toán di động phát triển?". Với kinh nghiệm phát triển Taobao, AliPay, ông Eric cho rằng, khi phát triển Taobao, AliPay nhận khá nhiều câu hỏi từ phía khách hàng đặt ra như mức độ an toàn, bảo mật... nhưng vẫn làm và đã vượt qua những rào cản ban đầu.
"Dần dần chúng tôi xây dựng được niềm tin từ người tiêu dùng, thay đổi thói quen, hành vi của người tiêu dùng trong thanh toán trực tuyến", ông nói.
Về thay đổi tư duy, ông Eric cho rằng, rất cần môi trường chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý. Hiện ở Việt Nam 50% dân số sử dụng điện thoại thông minh, yếu tố này cần được tận dụng để giúp khơi gợi sáng tạo, khởi nghiệp trong doanh nhân.
"Cơ hội đang đến và bình đẳng cho mọi người", CEO Ant Financial Services nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cũng cần tận dụng, sử dụng công nghệ để khiến khách hàng thấy thoải mái, tin cậy với dịch vụ.
-
11h40Tỷ phú Jack Ma chia sẻ về việc Việt Nam có phát triển được thương mại điện tử hay không?
Ông Trương Gia Bình và Jack Ma. Ảnh: Giang Huy.
Ông Trương Gia Bình: Ông là một người có tầm nhìn rất lớn, trong phiên tiếp kiến với Thủ tướng và Thống đốc, ông có chia sẻ về cuộc cách mạng thanh toán điện tử. Ông có thể hỗ trợ như thế nào cho các đơn vị Việt Nam trong thực hiện cuộc cách mạng đó?
Tỷ phú Jack Ma: Khi chúng tôi bắt tay vào làm, Alibaba hoạt động không có nhiều nguồn lực, không có quan hệ với ngân hàng. Lúc đó tôi nói với các cộng sự, chúng ta hãy sẵn sàng từ bây giờ đi. Chúng tôi tin tưởng rằng sau 10 năm chúng tôi sẽ chiến thắng.
Chúng ta đã nói với nhau về Fintech, xin đặt ra một câu hỏi, doanh nghiệp sau 20 năm nữa sẽ như thế nào? Hiện nay có rất nhiều điều xảy ra với kinh tế toàn cầu. Thế kỷ vừa rồi nền kinh tế đã được công nghiệp hóa, cách mạng hóa. Nhưng chỉ có 20% doanh nghiệp của các nước lớn là thành công, 80% doanh nghiệp nhỏ không được thành công.
Chúng ta có nên tiếp tục với tỷ lệ đó không? Tôi cho rằng là không, hãy đảo ngược tỷ lệ đó, chúng ta phải dành cơ hội cho 80%. Muốn thành công chúng ta phải bao trùm, bao quát mọi mặt. Chúng ta nên cùng suy nghĩ về vấn đề đó. Nếu quý vị muốn phát triển đất nước của quý vị thì phải làm sao để người trẻ được phát triển?
Như vậy, làm thế nào để giải quyết để 80% chứ không phải là 20%. Đó chính là mục đích của thanh toán điện tử để sao cho vấn đề thanh toán di động thúc đẩy cho tài chính toàn diện.
Tôi đến Việt Nam, thấy rất nhiều bạn trẻ, họ có rất nhiều tiền, giàu hơn tôi ngày xưa. Làm sao mà bỏ được nhiều tiền thế trong cái ví mà tiêu? Việt Nam có 54% dân số ở đất nước này dùng điện thoại di động rồi. Tôi hoàn toàn đồng ý, tâm đắc với ngài Thủ tướng, muốn giải quyết vấn đề này thì phải phổ cập tài chính toàn diện, không có lựa chọn nào khác là đưa xã hội phi tiền mặt vì nó đang tới gần rồi. Có phải tối nào họ cũng xuống phố được không? Họ phải lên mạng, phải làm ăn kinh doanh, một quốc gia có dân số trẻ như thế này, phải tạo cơ hội cho họ kinh doanh đơn giản, dễ dàng, để cạnh tranh trong tương lai.
Cách đây 14 năm tôi có ý tưởng làm Alipay. Khi đó, có người nói 'Jack ơi sao mà làm được vì Trung Quốc không có cả thẻ tín dụng, khó lắm, họ phải xem tận mắt mới mua được hàng'.
Khi đó tôi nói với các đồng sự, nếu Ali Pay thất bại tớ sẽ đi tù đầu tiên. Tớ mà đi tù, thì cậu thứ 2 tiếp bước tớ, cậu thứ 3 tiếp bước tớ... Hồi đó chỉ có chúng ta muốn giải quyết vấn đề thì luôn luôn có con đường, luôn luôn có cách thức. Muốn làm là làm được, nếu không muốn làm thì cũng có cả triệu lý do để không làm.
-
11h35Tỷ phú Jack Ma xuất hiện trên sân khấu, cả hội trường như vỡ tung
Sau khi tiếng của MC giới thiệu tên Jack Ma lên sân khấu để bắt đầu cuộc đối thoại với Chủ tịch Tập đoàn FPT - Trương Gia Bình, cả hội trường đồng loạt đứng lên vỗ tay chào mừng. Một khán giả cầm trong tay cuốn sách về ông chủ Alibaba giơ cao gọi lớn tên Jack Ma thể hiện sự ngưỡng mộ.
Cùng lên sân khấu còn có ông Eric Jing - CEO Công ty Tài chính Ant.
Chủ tịch Alibaba - Jack Ma. Ảnh: Giang Huy
-
11h30Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ cam kết để hệ sinh thái Mobile payment phát triển ở Việt Nam
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Giang Huy.
Ông Vũ Viết Ngoạn: Phó thủ tướng có ý kiến gì để thanh toán di động trở thành hiện thực trong tương lại?
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Ngoài việc cần lắng nghe, đối thoại thì để hệ sinh thái thanh toán di động thành hiện thực, Chính phủ cam kết sớm thực thi, hoàn thiện tài chính toàn diện, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử để "Việt Nam mạnh lên bằng công nghệ thông tin".
Ngoài ra, Chính phủ cũng hoàn thiện khung khổ pháp lý, đẩy mạnh phát triển đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, cũng như đẩy mạnh quảng bá, truyền thông để giúp cho mọi chủ thể, người dân hiểu được tiện ích mang lại cho hệ sinh thái thanh toán di động.
Theo ông, một hệ sinh thái cho mobile payment được xem là tối ưu khi chúng ta đảm bảo cho hệ sinh thái này phát triển nhanh, bùng nổ. Chúng ta sẽ làm hệ sinh thái thanh toán di động bùng nổ như cách đây 10 năm điện thoại di động.
"Hệ sinh thái này chỉ bùng nổ nếu đem lại lợi ích cho người dân; khắc phục rủi ro, an toàn thông tin, bảo mật cho người sử dụng; kiểm soát giao dịch xuyên quốc gia và đối phó với tội phạm công nghệ cao, chống xói mòn cơ sở thuế... Không chỉ mang lại lợi ích cho từng cá thể trong hệ sinh thái, mà còn là lợi ích của mọi chủ thể, lợi ích quốc gia", ông nói.
Lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng, cái gì mới cũng đề khó khăn. Chính phủ cam kết tạo lập môi trường cho đổi mới, sáng tạo, mang lại lợi ích cho người dân, quốc gia. Chúng ta sẽ bắt tay cùng hành động, vượt qua thách thức khi cách doanh nghiệp hợp tác, chia sẻ. Chính phủ sẵn sàng hợp tác cùng doanh nghiệp vì mục tiêu chung", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ông bổ sung thêm, để hoàn thiện hệ sinh thái cho mobile payment thì cũng cần có thời gian. Những vấn đề gì cần thử nghiệm trước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin & truyền thống đề xuất và Chính phủ sẽ xem xét trên cơ sở tạo bước đi vững chắc cho phát triển hệ sinh thái này.
Phần phát biểu của Phó thủ tướng đã nhận được sự tràng pháo tay hưởng ứng từ dưới khán phòng.
-
11h20Ông Nguyễn Triệu Huy
Ông Vũ Viết Ngoạn: Từ bài học phát triển Mobile Payment thành công ở Hàn Quốc và một số quốc gia khác, ông Huy Triệu có gợi ý gì về các giải pháp hỗ trợ hệ sinh thái mobile payment phát triển tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Huy Triệu, CEO Disruptive Group: Bức tranh tài chính sẽ rất khác trong 20 năm tới. Tại Anh, hiện nay cho vay ngang hàng đang phát triển rất nhanh. Vì sao lại như vậy? Theo tôi, đó là do nhu cầu của người dùng mong muốn có khoản vay nhanh chóng, đáp ứng ngay nhu cầu của họ, nên phát triển khoản vay trong thời gian rất ngắn.
Ở Việt Nam, chúng tôi được biết có nhiều đổi mới đang diễn ra, từ doanh nghiệp lớn cho đến nhỏ và vừa cũng như công nghệ. Tôi cho rằng quan trọng để phát triển được vẫn là có hệ sinh thái. Tại Anh, năm 2014 có khoảng 100 fintech startup nhưng đến nay, con số là khoảng 1.000. Fintech tạo ra làn sóng trong ngành ngân hàng chứ không phải triệt tiêu nên tôi cho rằng thúc đẩy Fintech là điều rất quan trọng.
-
11h18Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Sự cần thiết phải hoàn chỉnh hành lang pháp lý cho thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam
Ông Nguyễn Kim Anh. Ảnh: Giang Huy.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã rất nỗ lực trong việc thực hiện chủ trương, định hướng của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ông muốn Phó thống đốc cho biết, định hướng của Ngân hàng Nhà nước về các chính sách, khuôn khổ pháp lý thúc đẩy Mobile Payment trong thời gian tới?
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, thanh toán di động là một xu thế tất yếu nên việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là cần thiết.
Do đó, thời gian tới, cơ quan này sẽ nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng, tiến bộ của sản phẩm công nghiệp 4.0, hướng đến xây dựng một hệ thống ngân hàng kỹ thuật số trong tương lai.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, hoàn thiện hành pháp lý về hoạt động thẻ thanh toán với việc ban hành các tiêu chuẩn cho thanh toán phi tiếp xúc (contactless), QR Code, thanh toán qua di động, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các Fintech hoạt động ... Đồng thời, nhà quan rlys sẽ tăng cường bảo vệ người tiêu dùng, an ninh, an toàn mạng cũng như năng lực quản lý, giám sát nhằm tạo điều kiện cho thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam phát triển an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp và phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế.
Song song đó, Phó thống đốc cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng đến các vùng sâu, xa, hải đảo để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại những nơi này.
-
11h15Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV: Ba từ "S" quan trọng trong phát triển thanh toán di động
Ông Cấn Văn Lực. Ảnh: Giang Huy.
Ông Vũ Viết Ngoạn: Sự ra đời của Fintech có đe doạ tới những dịch vụ truyền thống của ngân hàng. Ngân hàng có sự ứng phó thế nào?
Ông Cấn Văn Lực đề cập tới 4 vấn đề. Trước tiên là trong xu thế 4.0 các ngân hàng và Fintech "bắt tay nhau chặt chẽ" vì mục tiêu phục vụ tốt ngân hàng. "Ba từ 'S' quan trọng: đơn giản, an toàn và thúc đẩy cùng nhau phát triển. Hiện 3 phương thức mà các ngân hàng sẽ trao đổi cùng Fintech: hợp tác, cạnh tranh sòng phẳng và kết hợp để tạo nên sinh thái tiện ích cho khách hàng, bản thân ngân hàng và doanh nghiệp", ông Lực nói.
Ông Lực cũng cho biết, hiện BIDV đang kiến nghị Chính phủ, ngân hàng phát triển hệ sinh thái này. Thứ nhất, sớm thúc đẩy chiến lược tài chính toàn diện. Thứ 2 là tạo ra chuẩn hoá liên quan tới cơ sở hạ tầng, pháp lý như chuẩn hoá về QR Code, Tokenization... Cuối cùng, nâng cao ý thức người dân, khách hàng về thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, các ngân hàng và Fintech cùng nhau phát triển dịch vụ, sản phẩm tốt hơn cho khách hàng, tránh hiện tượng khách hàng mở quá nhiều tài khoản, QR Code mà không thống nhất.
-
11h05Ông Thomas Ko - Giám đốc Samsung Pay toàn cầu
Ông Thomas Ko. Ảnh: Giang Huy.
Ông Thomas Ko - Phó tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung toàn cầu, Giám đốc Samsung Pay toàn cầu
Trước khi sang Việt Nam tôi có kể với con gái và cô bé hỏi nếu sang Việt Nam bố sẽ ăn phở chứ? Tôi nói chắc chắn sẽ như vậy. Tuy nhiên, khi đi ăn phở sẽ phải mang ví, bởi phải thanh toán bằng tiền mặt. Nếu phải cầm cả ví, cả điện thoại thì sẽ rất bất tiện. Bài toán của Samsung làm cho mọi việc đơn giản hơn, để tích hợp mọi thứ trong chiếc điện thoại để sử dụng hiệu quả để tạo thành một nền tảng hiệu quả.
Ông thực hiện thao tác ngay trên sân khấu và nhấn mạnh phải làm sao để mọi thứ trở nên tiện lợi nhưng phải rất an toàn, thông minh. "Chúng ta hãy cùng nhau để điều đó trở thành hiện thực nhưng nó phải thực sự đơn giản, để người dùng có thể sử dụng một cách say mê. Chúng tôi có thể nói là cả nước đã sẵn sàng đối với việc thanh toán điện tử.
Ông Vũ Viết Ngoạn: Chính phủ Hàn Quốc có chính sách gì để thúc đẩy thanh toán điện tử thưa ông?
Ông Thomas Ko: Chính phủ thì không đặt quá nhiều quy định, không đòi hỏi quá nhiều về tính an toàn. Chính phủ sẽ quy định trên quan điểm quý vị phải phát triển dần dần để thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo. Tất nhiên, cơ quan quản lý cũng rất ý thức về chuyện bảo vệ người tiêu dùng để đảm bảo tiện lợi và an toàn. Chính phủ Hàn Quốc đã làm được điều đó nên doanh nghiệp nhận được nhiều sự hỗ trợ.
-
10h59Ông Nguyễn Triệu Huy - CEO Disruptive Group
Ông Triệu Huy cho rằng, nếu xem xét trên thế giới thì sẽ thấy có sự khác biệt rất rõ. Ở châu Âu thì khác, chẳng hạn những người bạn góp tiền để mua một món hàng nào đó. Hiện nay những điều này cũng góp phần thay đổi rất nhiều đối với hành vi người tiêu dùng.
Và chúng ta nói đến cơ sở hạ tầng của ngành viễn thông hiện nay đang phát triển tốt, nó trở thành một cơ sở để phát triển thanh toán điện tử - vừa mang tính quốc tế, vừa mang tính địa phương. Lấy một ví dụ về thanh toán điện tử tại Anh, nước này đã phát triển rất tốt khi phối hợp việc sử dụng của người dân với ngân hàng.
Lúc này chúng ta đặt câu hỏi, với một mô hình thanh toán di động thì chúng ta cần gì? Thứ nhất là yếu tố vốn. Điều này cần nhưng không quá khó. Cái khó là hệ sinh thái. Và yếu tố thứ ba là nhân tài. Vì thanh toán di động là sự kết hợp của công nghệ và tài chính - đều là kỹ năng khó. Điều này không phải ai cũng nắm bắt được để mà chúng ta tìm người có năng lực và kỹ năng.
Và cuối cùng là sự quản lý của Nhà nước. Nó phải mang tính hỗ trợ. Nhiều khi chúng ta chỉ quan tâm tới tầm vĩ mô mà chưa quan tâm tới yếu tố vi mô.
-
10h55Ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó tổng giám đốc Napas: Sẽ có chuẩn QR Code chung, thống nhất
Ông Nguyễn Đăng Hùng. Ảnh: Giang Huy.
- Ông Vũ Viết Ngoạn: Chúng ta thấy rõ mối liên kết giữa hạ tầng kỹ thuật, thương mại và tài chính để có hệ sinh thái tốt.
"Với vai trò là đơn vị chuyển mạch quốc gia, chịu trách nhiệm triển khai hạ tầng thanh toán, NAPAS đã và đang chuẩn bị gì để hỗ trợ các bên trong triển khai mobile payment ở Việt Nam?", ông Ngoạn đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó tổng giám đốc Napas cho biết, 10 năm qua chúng tôi đã kết nối, liên thông hệ thống thẻ ngân hàng tạo nên cơ sở hạ tầng thanh toán, đóng vai trò nền tảng quan trọng trong thúc đẩy thanh toán số, di động. Napas đang tiêu chuẩn hoá công nghệ thẻ, chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.
Lộ trình của Ngân hàng Nhà nước tới năm 2020 khi Việt Nam cơ bản chuyển đổi sang công nghệ thẻ chip, thì ngoài việc triển khai Samsung Pay tới đây có thể sẽ xuất hiện thêm Apple Pay...
Chia sẻ khó khăn mà các Fintech đang gặp phải khi phải kết nối với nhiều ngân hàng khác nhau, ông Hùng cho biết, Napas đang triển khai hệ thống thanh toán bù trừ tự động, ngoài giúp ngân hàng còn giúp các đơn vị trung gian thanh toán, các đơn vị cung cấp dịch vụ có thể đơn giản hoá kết nối, chuẩn hoá việc cung cấp dịch vụ ngân hàng...
Ngoài ra, Napas cũng đang phát triển hệ thống nền tảng số hoá Tokenization và QR Code ... nhằm tăng mức độ an toàn, bảo mật các giao dịch trên nền tảng Internet.
Riêng về QR Code, Phó tổng giám đốc Napas cho rằng, "đây sẽ là xu thế tất yếu". Vì thế Napas đang cùng các cộng sự sẽ đưa ra mã QR Code chung, thống nhất. "Tới đây mỗi người dùng tới đây chỉ cần 1-2 mã QR Code là có thể thanh toán", ông Hùng nói.
-
10h50Ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Công Thương
Ông Cao Quốc Hưng. Ảnh: Giang Huy.
Ông Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng tổ tư vấn của Thủ tướng - Cố vấn VEPF đặt câu hỏi, từ góc độ của Bộ Công Thương, ông Hưng có đánh giá thế nào về môi trường thương mại điện tử hiện nay và dự báo xu hướng thời gian tới trước tác động của hội nhập và toàn cầu hóa? Theo ông, thanh toán di động có vai trò và tác động như thế nào đối với sự phát triển của thương mại điện tử?
Trước câu hỏi này, ông Cao Quốc Hưng cho biết, thương mại điện tử tăng 25-35% mỗi năm, tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam tương đương với khu vực.
Năm 2016 thương mại điện tử của Việt Nam đạt 5 tỷ USD, và hiện nay pháp lý, hạ tầng dần hoàn thiện. Ngoài ra phấn đấu thời gian tới thương mại điện tử Việt Nam sẽ chiếm 30% trên thế giới. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hoá thì thương mại điện tử của Việt Nam cũng phát triển với công nghệ thế giới như công nghệ 4.0.
Chia sẻ về thanh toán thương mại đa ngành như logistic, hải quan... ông cho rằng ở nước ta mặc dù là thương mại điện tử nhưng mà thanh toán bằng tiền mặt vẫn rất lớn. Do đó, chúng ta cần phải tiếp tục giải quyết các tồn động khi vẫn có tới 89% thanh toán bằng tiền mặt, và mới có 18% thanh toán qua trung gian. Nguyên nhân thanh toán di động còn thấp do liên quan đến niềm tin và nhiều yếu tố khác.
Thanh toán không dùng tiền mặt có rất nhiều lợi ích vì giúp cho người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, chi phí... Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa các công tác hỗ trợ và thúc đẩy phát triển than toán di động trong thời gian tới.
-
10h48Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Thông tin & Truyền thông: Hạ tầng viễn thông cho thanh toán điện tử đã sẵn sàng
Ông Nguyễn Thành Hưng. Ảnh: Giang Huy.
Ông Vũ Viết Ngoạn: Từ góc độ của Bộ Thông tin Truyền thông, hiện nay Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn trong việc kiến tạo nền tảng hạ tầng ICT thích ứng với kỷ nguyên số và thanh toán số thưa ông Nguyễn Thành Hưng?
- Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, Thành viên Ủy ban Quốc gia cho rằng, hạ tầng viễn thông tại Việt Nam hiện nay đi trước một bước, tạo lập hạ tầng quan trọng cho những ngành kinh tế khác phát triển. Số lượng thuê bao điện thoại di động trên 120 triệu, số người sử dụng internet xếp thứ 15 trên thế giới với 53% dân số sử dụng. Internet băng rộng cũng chiếm 40%. Số lượng sử dụng smartphone đến cuối 2017 khoảng 50 triệu. Đây là dư địa lớn cho thanh toán mobile.
Về mối quan hệ giữa ngân hàng và các fintech, ông Hưng cho rằng cũng có điểm tương đồng trong mối quan hệ giữa nhà mạng và các doanh nghiệp OTT. Khi OTT phát triển đã mang lại nỗi sợ hãi lớn cho nhà mạng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhà mạng và doanh nghiệp OTT đã có sự hợp tác để cùng nhau phát triển. Do đó, việc ủng hộ các doanh nghiệp fintech sẽ tạo nên hạ tầng tốt để phát triển thanh toán điện tử.
-
10h30Phiên thảo luận thứ 2: Phát triển hệ sinh thái cho thanh toán di động ở Việt Nam
Phiên thảo luận thứ hai. Ảnh: Phạm Đương.
Diễn đàn thanh toán điện tử VEPF 2017 bước vào phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề "Phát triển hệ sinh thái cho thanh toán di động ở Việt Nam". Phiên thảo luận sẽ đề cập tới nội dung về gợi ý chính sách cho Việt nam để thúc đẩy thanh toán di động từ kinh nghiệm thế giới và Việt Nam cần làm gì để tạo một hệ sinh thái cho người dân không có tài khoản ngân hàng dễ dàng thanh toán điện tử.
Phiên thảo luận gồm sự tham gia của các diễn giả: Phó thủ tướng Vương Đình Huệ; ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Công Thương; ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Thông tin & truyền thông; ông Thomas Ko - Phó tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung toàn cầu, Giám đốc Samsung Pay toàn cầu và ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng Giám đốc NAPAS.
Điều phối phiên thảo luận, ông Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, kỷ nguyên số đang tạo ra trào lưu, sự thay đổi sâu sắc mọi mặt cuộc sống. Trong đó, thanh toán di động đang tạo ra nhiều mặt thay đổi, thúc đẩy thương mại, kinh tế.
Ông Vũ Viết Ngoạn điều phối phiên thảo luận thứ hai. Ảnh: Giang Huy.
Ông đặt câu hỏi cho Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: "Từ góc độ Chính phủ ông có những đánh giá và nhận định như thế nào về xu hướng phát triển thanh toán di động tại Việt Nam?".
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, bối cảnh toàn cầu hoá thanh toán di động là xu thế tất yếu không ai có thể cưỡng lại và đứng ngoài cuộc. Xu thế này mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể: người dân, doanh nghiệp, Nhà nước.
"Xu hướng này chắc chắn sẽ bùng nổ tại Việt Nam và thế giới thời gian tới", ông nhấn mạnh.
Ông cho biết, trong thời gian tiếp kiến ngắn với Chủ tịch Alibaba - Jack Ma bên lề VEPF 2017 nhưng ông rất đồng tình với quan điểm, rằng thanh toán di động còn mang lại sự minh bạch cho nền kinh tế. Ông đề nghị các bộ ngành nghiên cứu thêm phát triển thanh toán điện tử trong quản lý nền kinh tế phi chính thức ở Việt Nam, hiện tỷ trọng này chiếm phần lớn tại các vùng đô thị, nông thôn. Quản lý được khu vực này sẽ giúp nền kinh tế phát triển bình đẳng hơn, chống xói mòn trong thu thuế.
Tuy nhiên, lợi ích của ngân hàng trong xu thế này chưa được đề cập nhiều. Hiện tại ngân hàng Việt Nam chủ yếu sống dựa vào dịch vụ tín dụng, trong khi dịch vụ phi tín dụng rất ít. Mỗi khi một chủ thể tham gia quá trình hệ sinh thái này còn nghĩ tới cái tôi của mình thì không thể phát triển được. Chính phủ, cá nhân tôi rất ủng hộ và cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển thanh toán di động và để xu thế này phát triển bùng nổ tại Việt Nam.
"Phổ cập để đi nhanh, để chúng ta không tụt lại phía sau. Đi nhanh để không một ai thụt lại phía sau trong quá trình này", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
-
10h15Jack Ma có mặt tại VEPF 2017
Jack Ma đến tham dự VEPF 2017. Ảnh: Giang Huy.
Hơn 10h, tỷ phú Jack Ma đã có mặt tại Diễn đàn thanh toán điện tử VEPF 2017 với sự đón chào bằng tràng vỗ tay dài.
Một trong những chủ đề Jack Ma sẽ nói tại phiên 3 của chương trình VEPF 2017 là câu chuyện về thanh toán điện tử của Alibaba tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – Trung Quốc.
Jack Ma là tỷ phú tự thân nổi tiếng của Trung Quốc, với tài sản 39,6 tỷ USD, theo Forbes. Ông sinh năm 1964 tại Hàng Châu, từng là giáo viên tiếng Anh trước khi đồng sáng lập hãng thương mại điện tử Alibaba năm 1999. Doanh thu hãng này trong 12 tháng, đến hết tháng 3, là 23 tỷ USD. Alibaba niêm yết tại New York năm 2014 và là IPO lớn nhất thế giới khi đó. Ngoài thương mại điện tử, Alibaba còn hoạt động trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, thanh toán online, điện toán đám mây, logistics và phim truyện.
Tỷ phú Jack Ma tại VEPF.
-
10h01Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch MoMo
Ông Nguyễn Bá Diệp.
Ông Diệp chia sẻ, trước đây ông thường cho rằng ví điện tử và Fintech là đơn vị cạnh tranh với ngân hàng, nhưng giờ ông thấy không phải vậy. Giá trị của Fintech là giúp phát triển công cụ tài chính tổng quát, giúp phát triển xã hội thanh toán không dùng tiền mặt.
Như Ấn Độ họ rất phát triển lĩnh vực thanh toán trên di động. Tại các nước này, ví điện tử được sử dụng theo các chức năng cơ bản như: Thanh toán: chuyển tiền giữa các đối tượng (cá nhân, doanh nghiệp, chính phủ). Dịch vụ tài chính: Nhận tiền vay từ các tổ chức tài chính, gửi tiền tiết kiệm, mua bảo hiểm. Và hiện giờ, trong vòng một giờ đồng hồ thì người dân họ có thể tiếp cận được dịch vụ tài chính.
Tại Việt Nam, thanh toán di động mới đang ở bước đầu tiên - là công cụ giữa cá nhân với doanh nghiệp. Việc thanh toán các dịch vụ công của Chính phủ, cũng như phối hợp với ngân hàng để tận dụng nguồn lực trong dân (microsavings) cũng như đẩy mạnh tài chính tổng quát vẫn chưa diễn ra. Nhà nước vẫn đang sử dụng hệ thống tài chính truyền thống để triển khai các dịch vụ này, trong khi thanh toán di động là giải pháp công nghệ đơn giản và chi phí thấp hơn.
Đối với MoMo, ngay từ đầu, công ty đã rất chú trọng đến việc mở rộng thanh toán cho các dịch vụ công cơ bản (điện, nước, viễn thông, internet, truyền hình cáp) và thu hộ các khoản vay cho các công ty tài chính tiêu dùng và ngân hàng. Theo ông Diệp, hiện MoMo có 8 triệu người dùng dịch vụ. Và hiện Nhà nước Việt Nam coi Mobile Payment là chiến lược quốc gia thì được xem là nền tảng tốt để xây dựng kinh tế không tiền mặt. Thời gian tới, theo ông, nếu cho thanh toán dịch vụ công thì sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình không dùng tiền mặt. Thể hiện công nghệ thay đổi thế giới, thay đổi con người.
-
9h58Bà Đàm Bích Thuỷ: Tâm lý người tiêu dùng e ngại có cản trở gì trong phát triển mobile payment?
Bà Đàm Bích Thuỷ.
Ông Đào Minh Tuấn - Phó tổng giám đốc Vietcombank nhìn nhận, tâm lý khách hàng hiện vẫn quen "giao hàng dùng tiền mặt". Việc ngân hàng thu phí thời gian qua cũng tạo tâm lý, cản trở khách hàng chuyển sang thanh toán mobile payment. Bên cạnh đó là yếu tố tiện lợi, an toàn.
"Cơ bản khách hàng ủng hộ sử dụng, nhưng trong vài trường hợp chúng tôi cũng gặp khó khăn trong phát triển dịch vụ này. Chúng tôi mong Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ có những giải pháp về chính sách giúp dịch vụ này phát triển nhanh, tiện lợi ở Việt Nam", ông Tuấn kỳ vọng.
Chia sẻ điều này, ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc VietinBank bổ sung, thanh toán là hành động cuối cùng phục vụ của con người. Để phát triển thanh toán ngân hàng không thể đứng một mình, mà cần có hệ sinh thái kết nối giữa ngân hàng với các đơn vị cung cấp dịch vụ: du lịch, y tế, viễn thông... như Lazada, Adayroi...
"Thanh toán cần lồng ghép vào nhu cầu này như hành động cuối cùng. Chúng tôi muốn kết hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ để phát triển dịch vụ thanh toán", ông Lân nói.
-
9h50Ông Nguyễn Quang Hiền Huy - Phó tổng giám đốc, Giám đốc Điều hành ngành hàng Thiết bị Di động Công ty Điện tử Samsung Vina
Bà Đàm Bích Thủy: Hầu hết điện thoại Samsung vẫn đang ở mức giá rất cao mới có thể sử dụng được Samsung Pay. Liệu Samsung có triển khai Samsung Pay trên những thiết bị có mức giá trung bình?
Ông Nguyễn Quang Hiền Huy - Phó tổng giám đốc, Giám đốc Điều hành ngành hàng Thiết bị Di động Công ty Điện tử Samsung Vina: Samsung Pay có đặc điểm số hóa các thẻ ngân hàng trên thiết bị di động. Với công nghệ độc quyền, Samsung Pay có thể dùng được ở hầu hết các thiết bị quẹt thẻ ở Việt Nam.
Samsung Pay mới ra mắt ở Việt Nam từ tháng 9/2017, nhưng mới hỗ trợ các loại sản phẩm có giá trên 8 triệu. Cùng với việc làm việc với các ngân hàng, chúng tôi sẽ nỗ lực phổ cập Samsung Pay tới các dòng điện thoại giá trị 5 triệu đồng trở lên với mục tiêu cuối cùng là tạo ra một cú hích để tạo ra thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ.
-
9h45Ông Trần Công Quỳnh Lân – Phó tổng giám đốc VietinBank: QR Pay – Cơ hội cho thanh toán di động Việt Nam bùng nổ
Ông Trần Công Quỳnh Lân
Ông Trần Công Quỳnh Lân – Phó tổng giám đốc VietinBank cho rằng, việc chuyển dịch từ Internet banking sang Mobile banking được xem là bước đột phá giúp cho các ngân hàng đưa các sản phẩm dịch vụ tới gần hơn với khách hàng.
Dù đã có những phát triển vượt bậc trong việc hỗ trợ thanh toán nhanh, góp phần thúc đẩy lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt nhưng thanh toán qua Mobile Banking hiện chưa thực sự phổ biến tới người dân. Ngoài tokenization, VietinBank hiện cũng triển khai mobile payment thông qua QR code.
Theo ông Lân, tại Việt Nam tiềm năng thanh toán qua QR code cũng là rất lớn khi dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ và đặc biệt quá nửa dân số Việt Nam đang sử dụng smartphone. Từ đầu năm 2017 tới hết tháng 9/2017, thanh toán qua QR code tăng trưởng 120%, số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán QR code tăng lên tới gần 5.000 điểm. Dự báo đến hết năm 2018 số lượng này là 50.000 điểm và hiện đã có tới 12 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR code.
"Hiện vẫn có sự manh mún trong phát triển QR code tại Việt Nam", ông nhận xét.
Phó tổng giám đốc VietinBank cho rằng, để QR Pay thực sự phát triển và trở thành kênh thanh toán tiện dụng tại Việt Nam, thay thế thanh toán bằng tiền mặt, trước tiên cần sớm nghiên cứu và đưa ra một tiêu chuẩn thống nhất về định dạng QR code trong thanh toán di động cho thị trường Việt Nam.
“Đây là tiền đề đầu tiên, đặt nền móng cho việc thực hiện thanh toán liên thông trong toàn thị trường. Tránh việc mỗi một hoặc một nhóm các Ngân hàng, tổ chức/trung gian thanh toán phát hành một định dạng QR code riêng, gây khó khăn cho người mua và người bán”, ông Trần Công Quỳnh Lân nói.
Thứ hai, cần có các chương trình hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng phương thức thanh toán QR code.
Thứ ba, từ bản thân người dân cũng cần chuyển dịch thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt sang phương thức thanh toán mới tiện dụng hơn. Thực tế, ông Lân cho biết, việc dùng thanh toán di động tiện lợi, bảo mật hơn nhiều so với dùng tiền mặt.
Cuối cùng, các ngân hàng thương mại tăng cường cơ sở hạ tầng an ninh đảm bảo sự thông suốt trong hoạt động thanh toán; đơn giản hóa các thủ tục, quy trình đăng ký merchant.
-
9h40Ông Đào Minh Tuấn - Phó tổng giám đốc Vietcombank: Chúng tôi sẽ tận dụng ý tưởng của startup Fintech để phát triển mobile payment
Ông Đào Minh Tuấn
Trước câu hỏi "Là ngân hàng đi đầu trong xu hướng nắm bắt công nghệ, Vietcombank đã, đang và sẽ làm gì để đón đầu xu hướng mobile payment hiện nay, ông Đào Minh Tuấn - Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng đã chuẩn bị hạ tầng thanh toán để đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng đã gần 20 năm nay. Ngay khi Internet trở thành dịch vụ phổ biến đầu những năm 2000, chúng tôi cũng đã xây dựng hạ tầng thanh toán hoàn thiện; chúng tôi xây dựng những tập khách hàng lớn, tạo cho khách hàng thói quen sử dụng dịch vụ thanh toán.
Với hạ tầng kỹ thuật có sẵn, Vietcombank đã phát triển thanh toán di động. Gần đây chúng tôi cũng triển khai sản phẩm Samsung Pay với các loại thẻ tín dụng để khách hàng thêm trải nghiệm.
Mỗi lĩnh vực có hệ sinh thái riêng, chúng tôi định hình phát triển hệ sinh thái thanh toán trên mobile để khách hàng có trải nghiệm dịch vụ tốt nhất. Chúng tôi tận dụng ý tưởng của các starup Fintech để mang nhiều dịch vụ tới khách hàng.
-
9h35Ông Sean Preston Visa International
Bà Đàm Bích Thủy: Là bạn đồng hành với nhiều ngân hàng khắp toàn cầu nhiều năm qua, ông đánh giá như thế nào về thanh toán điện tử tại Việt Nam?
Ông Sean Preston
Ông Sean Preston Visa International: Visa là một công ty công nghệ thanh toán toàn cầu, và thanh toán di động cũng mang lại cơ hội rất lớn. Tôi nghĩ rằng mọi người ngồi trong khán phòng đều thấy cơ hội cũng như thách thức của mobile payment.
Ở Việt Nam, nhiều người chưa có tài khoản ngân hàng hoặc người đã sử dụng thẻ ghi nợ, tín dụng thường xuyên tham gia vào giao dịch với Amazon, eBay... Tôi cho rằng, đây là cơ hội rất lớn.
Nếu nói về những gì Việt Nam cần làm tốt hơn nữa, tôi cho rằng đó là việc tăng cường hiểu biết, nâng cao nhận thức để người dùng hiểu hơn về vấn đề này, để họ sẵn sàng sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử.
Chúng tôi cũng tiến hành một khảo cứu ở Việt Nam, 60% người Việt Nam dùng điện thoại di động để mua sắm, thương mại điện tử. Tuy nhiên, theo tôi điều quan trọng là phải đảm bảo "tính nhất quán trong trải nghiệm", tức là trải nghiệm người dùng luôn thật tốt và cần chuẩn hóa mã QR.
Việt Nam đang làm tốt công việc nhận biết khách hàng điện tử, đảm bảo tính an toàn với việc áp dụng số hóa thẻ, đảm bảo các giao dịch được an toàn.
-
09h27Ông Nguyễn Triệu Huy - CEO Disruptive Group,
Ông Nguyễn Triệu Huy.
Thanh toán di động là vấn đề quan trọng đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Đó là vì cơ sở hạ tầng trong ngành tài chính - cho dù là hệ thống ngân hàng, quản lý tài sản hay bảo hiểm.
Điều này cho thấy, thanh toán di động là viên gạch nền rất tốt. Những ví dụ gần đây cho thấy dịch vụ tài chính di động có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với các quốc gia có hạ tầng tài chính chưa phát triển. Tầm ảnh hưởng lớn trong việc phát triển hạ tầng tài chính nhanh và rẻ hơn ở những thị trường đã phát triển.
Kenya là một ví dụ điển hình về tiền tệ di động. Số lượng tài khoản M-Pesa đã tăng từ con số 0 lên trên 30 triệu tài khoản chỉ trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, điều ít người biết là cũng trong khoảng thời gian đó, số tài khoản ngân hàng ở Kenya đã tăng chóng mặt - thêm 35 triệu tài khoản. Nếu so sánh Kenya với các nước châu Phi khác, không một quốc gia nào có được mức tăng trưởng tương tự trong hệ thống ngân hàng.
Và dĩ nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện hữu chính là đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển hạ tầng tài chính di động. Vì vậy, không cần bỏ quá nhiều chi phí đầu tư (Capital Expenditure CAPEX), mà chủ yếu là chi phí vận hành (Operating Expense OPEX). Mô hình tài chính di động siêu tăng trưởng này đã xuất hiện ở Trung Quốc (Ant Financial với trên 500 triệu khách hàng) hay Ấn Độ (Paytm với hơn 250 triệu khách hàng). Và hiện nay, tại Việt Nam, điện thoại di động cũng đang tăng nhanh và là cơ hội để phát triển tốt loại hình thanh toán không dùng tiền mặt.
-
9h20Ông Trần Thanh Nam – Tổng giám đốc Moca: Mã QR là chất xúc tác cho sự bùng nổ thanh toán di động
Bà Đàm Bích Thuỷ - Chủ tịch Đại học Fullbright Việt Nam đặt câu hỏi: Trong quá trình triển khai QR Code, Moca gặp thuận lợi và khó khăn gì?
Ông Trần Thanh Nam – Tổng giám đốc Moca cho biết, cách đây 4 năm Moca chọn QR Code làm phương thức chính để phát triển thanh toán di động ở Việt Nam.
Ông Trần Thanh Nam cho rằng QR Code là một giải pháp thanh toán phù hợp cho thị trường Việt Nam.
Về góc độ sản phẩm ông Nam cho biết thời gian đầu khi Moca gia nhập thị trường thanh toán di động thông qua POS gặp khá nhiều khó khăn, một phần do giá máy POS cao, 300-400 USD một máy, nên tỷ lệ máy POS trên dân số chỉ bằng 1/10 các nước khác như Singapore, Mỹ... Moca tìm ra phương thức thanh toán mobile mà không cần máy POS, đó là QR Code.
Chất xúc tác cho sự bùng nổ của thanh toán di động là mã QR. Thời gian đầu Moca triển khai ở các cửa hàng tạp hoá, cửa hàng tiện ích hay dịch vụ thanh toán hoá đơn điện, nước... Với người tiêu dùng, QR Code với thẻ ngân hàng có sẵn, điện thoại ... thì rất thuận tiện khi thực hiện ứng dụng này.
Cùng với đó giá đầu tư của QR Code thấp hơn POS, đơn cử gắn mã QR code cho 1.000 xe taxi này sẽ chỉ cần in sticker với tổng chi phí khoảng 10 – 20 triệu đồng. MOCA là đơn vị fintech đầu tiên ở Việt Nam triển khai thành công dịch vụ thanh toán di động qua mã QR code – với taxi Ba Sao từ tháng 3/2015.
Mã QR rất phù hợp với thanh toán di động, nhờ tiết kiệm chi phí linh hoạt trong ứng dụng. Mã này có thể được thể hiện đơn giản trên các loại bề mặt như giấy, stickers, decal, tấm mica, và cả màn hình điện thoại, máy tính. Vì vậy, theo ông Nam, không chỉ taxi, các cửa hàng lớn nhỏ, trang web thương mại điện tử, hoá đơn điện nước hay hoạt động giao hàng thu tiền, đều có thể ứng dụng QR vào thanh toán. Mã QR có thể để dưới dạng tĩnh nhằm nhận diện người bán hàng, hoặc hiển thị dưới dạng động - tạo ra cho từng giao dịch, từng hoá đơn với đúng số tiền cần thanh toán.
Hầu hết smartphone có khả năng quét mã QR. Vì vậy, với một ứng dụng thanh toán di động hỗ trợ QR như Moca, người tiêu dùng có thể thanh toán rất dễ dàng mọi lúc, mọi nơi. Trên thị trường Việt Nam, các hoạt động bán lẻ truyền thống còn chiếm một tỷ trọng rất lớn. Vì thế, ứng dụng thanh toán di động qua mã QR cho các cửa hàng offline có thể đóng góp lớn nhất cho thanh toán phi tiền mặt.
-
09h17Ông Nguyễn Quang Hiền Huy - Phó tổng giám đốc, Giám đốc Điều hành ngành hàng Thiết bị Di động Công ty Điện tử Samsung Vina
Ông Nguyễn Quang Hiền Huy
Ông Huy cho biết, thanh toán di động đang rất phổ biến và thịnh hành tại nhiều quốc gia trên thế giới, sẽ là xu thế tất yếu. Forrester Research Inc. ước tính rằng thanh toán di động sẽ vượt mức 142 tỷ USD vào năm 2019. Còn theo Javelin, EY, tổng giá trị thanh toán qua hình thức ứng dụng di động (mCommerce) sẽ đạt mức 194 tỷ USD năm 2017 và 319 tỷ đôla vào năm 2020. Số lượng người dùng hình thức thanh toán di động ước tính là 1.476 triệu người năm 2017 và sẽ tăng 47% vào năm 2019, trong đó khu vực Châu Á và châu Úc chiếm đa số.
Theo thống kê của Ngân hàng Hàn Quốc, có đến 1,26 triệu giao dịch qua thanh toán di động trong quý IV năm 2016, gần gấp 3 lần so với con số 440.000 của cả 3 quý trước đó. Ngoài ra, số người dùng loại dịch vụ này cũng đã cán mốc 32 triệu người vào cuối năm ngoái. Ở Hàn Quốc, khi đi chợ họ không mang tiền mặt và thẻ, họ chỉ dùng điện thoại. Hiện nay, ở Hàn Quốc, cứ 10 người thì có 7 người dùng Samsung Pay.
Sau 6 tháng kể từ khi ra mắt tại Mỹ, Samsung Pay đã có 5 triệu người dùng đăng ký và giao dịch trên 500 triệu USD trên nền tảng này. Hiện tại Samsung Pay đã được triển khai tại 19 thị trường trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Samsung liên tục đánh giá các thị trường trên toàn thế giới để xem nơi nào sẽ là nơi tiếp theo có thể giới thiệu Samsung Pay.
Riêng với Samsung Pay từ khi được giới thiệu năm 2015 hiện đã được triển khai tại 19 thị trường trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Có 4 yếu tố khiến Samsung quyết định triển khai Samsung Pay tại Việt Nam.
Thứ nhất, là chỉ đạo mang tính vĩ mô của Chính phủ.
Thứ hai, thị trường bán lẻ Việt Nam nằm trong top 3 điểm đến của các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường bán lẻ tại châu Á. Năm 2016, thị trường bán lẻ Việt Nam đạt trị giá trên 118 tỷ USD với mức tăng trưởng 10%.
Thứ ba, tính đến hết quý II/2017, theo Ngân hàng Nhà nước tại Việt Nam có tổng cộng hơn 110 triệu thẻ ngân hàng đã được phát hành. Đây là một con số khá ấn tượng và theo dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến là 150 triệu thẻ trong năm 2018, chủ yếu tập trung ở người tiêu dùng trẻ tuổi.
Thứ tư, nếu năm 2013, chỉ 20% dân số dùng smartphone thì tỷ lệ này đến năm 2016 là 72%. Tính đến hết tháng 6/2017, Việt Nam có khoảng 48 triệu thuê bao di động băng rộng gồm cả 3G và 4G.
-
09h08Tại phiên thảo luận đầu tiên, các đại diện chia sẻ về sự bùng nổ của Mobile Payment trên thế giới và xu hướng tại Việt Nam
Các diễn giả chia sẻ về xu hướng bùng nổ Mobile Payment. Ảnh: Phạm Đương.
Dưới sự điều phối của bà Đàm Bích Thuỷ - Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam, các đại diện thảo luận về xu hướng Mobile Payment trên thế giới và Việt Nam.
Theo bà Annie Zhang - Discover Financial Service, thời gian qua đơn vị này đã phối hợp chặt chẽ với Công ty NAPAS để triển khai nhiều công nghệ mới. Hiện nay, bà cho rằng có nhiều xu hướng phát triển thanh toán trên di động và đang có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển. Đó là cơ sở hạ tầng ở những nền kinh tế đang và đã phát triển, con số điện thoại di động với hơn 600 triệu người dùng ở Đông Nam Á... Đây là những yếu tố tốt để thúc đẩy tăng trưởng thanh toán trên điện thoại di động.
Ngoài ra, theo bà yếu tố thúc đẩy phát triển thanh toán không tiền mặt còn nhờ vào sự thông thạo và hứng khởi của người tiêu dùng. Cũng như trước đây, họ đã từng hăm hở, hứng khởi như vậy trước khi có điện thoại công nghệ mới. Một điểm nữa là người tiêu dùng ưu tiên tính nhanh nhạy và đó là sự khuyến khích cho các đơn vị cung cấp tích cực đưa sản phẩm ra thị trường.
Tuy nhiên, theo bà, điều quan trọng khác là phải làm thế nào để đảm bảo tính an toàn an ninh trong thanh toán trên điện thoại. Vì nếu xảy ra một trục trực gì thì sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, và hệ thống...
-
09h02Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh: Có sự đột phá trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử
Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, trong thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển, đặc biệt có sự đột phá trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán tiếp tục có xu hướng giảm, từ 14,02% năm 2010 xuống còn 11,45% vào tháng 8/2017.
Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử; các giải pháp để tăng cường quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và sự tin cậy đối với các hệ thống thanh toán theo các nguyên tắc giám sát quốc tế.
Bên cạnh đó, cơ quan này đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) để tham mưu, đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ sinh thái trong lĩnh vực Fintech nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ.
Tại Diễn đàn VEPF 2017 hôm nay, bên cạnh nội dung tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Thỏa thuận Hợp tác liên Bộ Tài chính - Công Thương - Ngân hàng Nhà nước và các kiến nghị tại VEPF 2016, Phó thống đốc kỳ vọng các bên liên quan sẽ có cơ hội bàn bạc, thảo luận, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm phát triển Mobile Payment trên thế giới. Đồng thời tại diễn đàn sẽ có những gợi ý lựa chọn, áp dụng mô hình phát triển hệ sinh thái Mobile Payment phù hợp với thực tế Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và Tài chính toàn diện (Financial Inclusion) tại Việt Nam theo định hướng của Chính phủ.
-
8h50Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Thanh toán di động sẽ bùng nổ, phổ cập ở Việt Nam
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Giang Huy.
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, thanh toán di động (mobile payment) đã đem lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, với chi phí phải chăng cho hàng trăm triệu người thu nhập thấp. Sự xuất hiện của mobile payment đã giúp cộng đồng thu nhập thấp tham gia và có cơ hội hưởng lợi trực tiếp từ những thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Ở châu Á, tại Trung Quốc và Ấn Độ, thanh toán di động cũng đang bùng nổ cả ở thành thị lẫn nông thôn, làm thay đổi cách thức kinh doanh. Thanh toán qua mobile thực sự là công cụ thúc đẩy Tài chính Toàn diện (Financial Inclusion), được hiểu như một nền tài chính mang lại lợi ích cho mỗi người dân, dù họ ở bất cứ đâu.
Tại Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, các công ty khởi nghiệp tài chính điện tử (Fintech) cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ đến các vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp và tiếp cận với một số lượng lớn người lao động, bình thường vốn ít có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ tài chính truyền thống.
"Tôi tin tưởng rằng, thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước", ông nói.
Đây cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ, mong muốn làm bùng nổ và phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020.
“Thế giới ngày nay, thế giới của công nghệ và sáng tạo, thì một nước đi sau có thể có lợi thế hơn, nhưng với điều kiện là đi sau thì phải đi trước. Chúng ta phải đi trước, phải đi nhanh hơn với nền tảng Internet và điện thoại di động rộng khắp. Chỉ có đi trước thì những nước đi sau mới thay đổi được thứ hạng. Đi trước đầu tiên phải là tạo môi trường cho cái mới. Chính phủ kiến tạo của chúng ta cam kết điều đó”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện nay, Việt Nam có 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G với 99% số quân huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G. Số thuê bao di động băng rộng SmartPhone dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020. Đây là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy thanh toán di động, cũng như các dịch vụ tài chính và thương mại điện tử khác đến tất cả các vùng miền, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và tất cả các nhóm dân cư ở Việt Nam, thay đổi triệt để thói quen dùng tiền mặt như hiện tại.
Theo Phó thủ tướng, với một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì nhanh và phổ cập là vô cùng quan trọng. "Nhanh để đất nước không bị tụt hậu, phổ cập để không ai bị bỏ lại phía sau. Một cộng đồng doanh nghiệp khát vọng và sáng tạo sẽ làm được điều này", ông nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó Chính phủ đã có nhiều quyết sách, đề án để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán di động nói riêng. "Chính phủ cam kết sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán di động tại Việt Nam", ông nói.
Cụ thể, thường xuyên đối thoại, làm việc chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp (cả bên cung cấp và sử dụng dịch vụ thanh toán), các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để tìm hiểu các rào cản và cùng đề ra giải pháp.
Chính phủ cũng cam kết phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trên thực tế để đảm bảo lợi ích có thể đến được với đại đa số người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ sẽ thúc đẩy việc cập nhật, thông qua khuôn khổ pháp lý, tạo cơ chế và xây dựng các chương trình hành động cần thiết để tạo thuận lợi, quảng bá cho thanh toán di động nói riêng và các dịch vụ công nghệ tài chính, thương mại điện tử nói chung.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang và sẽ phát sinh. Cộng đồng doanh nghiệp hợp tác cũng cần với nhau và với Chính phủ để cùng giải quyết các thách thức...
-
8h35Ông Thang Đức Thắng - Tổng biên tập VnExpress phát biểu khai mạc
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới phát triển kinh tế xã hội, thôi thúc sự ra đời của những giải pháp thanh toán trên nền tảng công nghệ mới, mang lại tiện ích và trải nghiệm khác biệt cho người dùng.
Sự bùng nổ của các thiết bị di động, đặc biệt tỷ lệ sử dụng ở giới trẻ Việt Nam lên đến hơn 70% - cao hàng đầu thế giới, là cơ sở cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính tìm giải pháp, tạo ra những hiệu ứng tiếp cận khách hàng trên kênh này.
Phản hồi của độc giả VnExpress những năm qua cho thấy sự quan tâm đến thanh toán điện tử. Nhiều tin bài thuộc lĩnh vực này đã nhận được lượng truy cập lớn và thu về nhiều ý kiến đóng góp, phản hồi. Trong 3 năm gần đây, VnExpress đã đóng vai trò cầu nối, thu nhận những ý kiến này, chuyển đến Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ, nhằm tạo ra sự thuận lợi cho việc xây dựng chính sách quản lý hoạt động tài chính tại Việt Nam.
Riêng tại VnExpress, năm ngoái, lượng truy cập qua thiết bị di động đã đạt bằng các thiết bị cố định và vượt qua giữa năm. Lượng người đọc trên di động tăng 28%, tạo ra gần 10 tỷ lượt truy cập trong hệ thống. Năm nay, 54% là từ di động và 46% là thiết bị cố định. Tỷ lệ này đang thay đổi nghiêng về phía mobile.
Diễn đàn năm nay tập hợp nhiều cái tên nổi bật trong trong lĩnh vực thanh toán điện tử, đặc biệt là sự xuất hiện của một nhân vật "huyền thoại" không chỉ trong kinh doanh nói chung, mà còn trong thanh toán điện tử nói riêng - Chủ tịch Alibaba - Jack Ma. Jack Ma đến Hà Nội lần này để tìm hiểu thực trạng và tiềm năng thị trường Việt Nam về thanh toán điện tử. Ông rất mong muốn có mặt tại một diễn đàn về lĩnh vực này.
-
8h30
700 quan khách cùng khách mời đã tới tham dự diễn đàn VEPF 2017. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ là một trong những vị khách đầu tiên tới tham dự diễn đàn.
8h30 diễn đàn thanh toán điện tử VEPF 2017 chính thức bắt đầu.
Với chủ đề "Mobile Payment – Nhân tố thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt", Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2017 do VnExpress và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức, với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Diễn đàn năm nay dự kiến kéo dài trong 4 giờ, gồm 3 phiên thảo luận với gần 20 diễn giả uy tín hàng đầu trong và ngoài nước. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ phát biểu chỉ đạo. Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh, Thứ trưởng Công Thương Cao Quốc Hưng và Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cũng tham gia chương trình, thảo luận cùng các khác để tìm ra cách phát triển hệ sinh thái cho thanh toán di động ở Việt Nam.
Điều phối các phiên thảo luận cũng sẽ là những tên tuổi uy tín trong nước, như Chủ tịch Tập đoàn FPT - Trương Gia Bình, bà Đàm Bích Thủy – Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam và ông Vũ Viết Ngoạn – Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Trong năm thứ ba tổ chức, Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017 còn có khách mời đặc biệt là tỷ phú Jack Ma - Chủ tịch Tập đoàn Alibaba - hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Tại diễn đàn, ông sẽ có một phiên đối thoại xoay quanh những kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên thiết bị di động ở Trung Quốc (qua ứng dụng Alipay) và câu chuyện toàn cầu hoá của nền tảng thương mại lớn nhất thế giới Alibaba.
Với những nội dung hấp dẫn, thiết thực được chia sẻ bởi những người trong cuộc là các nhà làm chính sách, chuyên gia trong nước, quốc tế; các doanh nghiệp, ngân hàng..., VEPF 2017 sẽ là cơ hội lớn để tìm kiếm giải pháp, đưa ra kiến nghị chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) diễn ra ngày 6/11 là sự kiện thường niên, quy mô lớn đầu tiên về thanh toán điện tử được tổ chức tại Việt Nam. Sau hai năm tổ chức, VEPF 2017 tiếp tục là cơ hội để các bên liên quan nói lên tiếng nói nhằm tác động tới sự thay đổi chính sách về thanh toán điện tử.
VEPF 2016 đã thu hút 700 khách tham dự sự kiện, trong đó có sự hiện diện của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp thương mại điện tử, công nghệ, giao thông, trung gian thanh toán... cùng các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. Chương trình năm nay có sự tài trợ của Samsung Pay - ứng dụng kết nối với hệ thống các ngân hàng để cung cấp dịch vụ thanh toán di động. Thông tin chi tiết về VEPF 2017 được cập nhật tại website chính thức của chương trình: https://vepf.vnexpress.net/ |